Hà Nội
Thứ Bảy, 03/05/2025
26.5 oC

Chùa Kim Cổ- Di tích lịch sử quận Hoàn Kiếm ( Quận Hoàn Kiếm)

Chùa Kim Cổ hiện ở số nhà 73 Đường Thành,phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.


Kim Cổ là tên gọi theo địa danh của thôn. Di tích còn có tên là Đồng Thiên quán, hay đền Kim Cổ. Đây nguyên thuộc địa phận thôn Kim Bát, sau đổi là thôn Kim Cổ, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Sau đó, tổng Tiền Túc đổi thành tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương.


Sách “Hà Nội nghìn xưa” cho biết phường Kim Cổ còn có tên là Cổ Vũ - một phường nổi tiếng của kinh thành Thăng Long. Thế kỷ XI, vua Lý Thánh Tông đã xây dựng cung điện tại phường Kim Cổ dành cho Nguyên phi Ỷ Lan. Thời gian Nguyên phi ở đây, bà đã cho dựng quán Đồng Thiên trong khu vực cung điện. Đầu thời Tây Sơn, quán được dời sang thôn An Thái, trên khu nền cũ, dân làng Kim Cổ đã dựng ngôi đền thờ Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan. Đời Tự Đức triều Nguyễn, cùng với việc mở rộng quy mô của đền thờ Ỷ Lan, Phật giáo cũng được đưa vào thờ tại đền, từ đó di tích có thêm tên gọi là chùa.




Quá trình xây dựng, trùng tu và biến đổi của di tích được Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ Đốc học Thanh Hoá là Tiến sĩ Lê Duy Trung ghi lại trên tấm bia “Kim Cổ thôn bi ký” dựng năm Tự Đức thứ 13 (1860): “... Triều vua ta (triều Nguyễn) dấy vận lệ thờ cúng đổi mới vạn vật trong sáng ngày càng thêm thịnh đẹp. Việc thờ cúng đế vương các đời, cờ quạt, đồ thờ đều có quy định. Nhà tế không rộng thì sao xứng với nơi ở tráng lệ của các vua chúa, quy mô có thể mở rộng nhưng ngặt vì tiền nong, vật dụng thiếu thốn. Nguyên Bố chánh sứ tỉnh Tuyên Quang thăng chức Lại bộ Thị lang Bùi Thương Hán là người làm quan hiển đạt ở thôn Kim Cổ ta đã bỏ ra 100 lạng bạc, công việc bèn thành. Năm Tự Đức Kỷ Mùi (1859), tháng mạnh đông khởi công đến tháng quý đông (tháng 11) thì làm xong”.

Những ghi chép trên cho thấy nội dung di tích chùa Kim Cổ hiện bao gồm việc thờ Phật và nơi tưởng niệm nhân vật lịch sử Nguyên phi Ỷ Lan có nguồn gốc từ gần 1000 năm về trước khi bà được vua Lý cho xây dựng cung riêng tại phường Kim Cổ.

Chùa Kim Cổ trước đây có quy mô kiến trúc lớn, hình chữ “tam”. Về sau khi người Pháp phá, dỡ chùa, nhân dân địa phương đã góp tiền xây dựng lại. Hiện nay, chùa có quy mô kiến trúc nhỏ, ở kề sát với hè phố Đường Thành và khu vực đình Tạm Thương. Các kiến trúc gồm: cổng vào, khu thờ tự và khoảng sân hẹp.

Cổng chùa xây bằng gạch do các trụ biểu kết hợp với những mảnh tường nhỏ hợp thành. Bên trên cửa, lối vào làm kiểu hai tầng tám mái với các góc đao cong ngược lên. Cổ diêm giữa hai mái đắp nổi 4 chữ Hán “Kim Cổ cổ tự”. Kiến trúc chính kết cấu kiểu chữ “đinh”. Tiền đường ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, các vì kèo đỡ mái kết cấu kiểu vì kèo quá giang, quá giang đặt trực tiếp lên tường bổ trụ. Toà Thượng điện ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, nối với Tiền đường, mái lợp ngói ta.

Hiện nay, chùa Kim Cổ còn bảo lưu được bộ di vật, minh chứng cho sự hiện diện của di tích trong lịch sử, gồm: 8 pho tượng Phật thuộc nghệ thuật thế kỷ XIX, 01 pho tượng Nguyên phi Ỷ Lan ngồi trong khám, một số pho tượng Mẫu, tượng Chầu; 03 tấm bia niên hiệu triều Nguyễn; 01 quả chuông đồng niên hiệu triều Nguyễn, 02 hạc thờ đứng trên lưng rùa; 01 bức cửa võng, 01 bức cuốn thư chạm rồng; 03 bức hoành phi sơn son, 02 đôi câu đối, một đôi có nội dung:

Kim Cổ danh lam sắc tướng huy hoàng thiên cổ tự

Đồng Quán thắng tích từ bi phổ độ thập phương dân.

Nghĩa là:

Kim Cổ danh lam cảnh sắc huy hoàng nơi cổ tự

Đồng Quán đẹp, từ bi phổ độ khắp mười phương.


Khởi nguồn xây dựng là quán Đồng Thiên, chuyển đổi nội dung thờ tự thành đền, rồi chùa. Di tích chùa Kim Cổ là một tư liệu quý giá trong việc tìm hiểu quy hoạch của Thăng Long thời Lý, đặc biệt là về “Thăng Long tứ quán”, một nét văn hoá độc đáo của thủ đô Hà Nội trước đây.

Chùa Kim Cổ được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1996.


Bài viết cùng thể loại

Người trao chìa khóa Thành Đại La cho Lý Công Uẩn
Người trao chìa khóa Thành Đại La cho Lý Công Uẩn Thái sư Lưu Cơ là một trong những khai quốc công thần của Đinh Bộ Lĩnh, có công dẹp loạn 12 sứ quân và phò tá hai...
Ai khai sinh ra Thành Đại La?
Ai khai sinh ra Thành Đại La? Lần theo những chi tiết ghi trong sử sách kết hợp với những tài liệu mới nhất về cổ địa chất, chúng ta có thể hình...
Chùa Một Cột - Ngôi chùa biểu tượng  cho văn hóa  của Hà Nội
Chùa Một Cột - Ngôi chùa biểu tượng cho văn hóa của Hà Nội Chùa Một Cột không chỉ được đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc độc nhất ở Việt Nam mà đồng thời còn là biểu tượng văn...
Hoàng Thành Thăng Long
Hoàng Thành Thăng Long Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội có diện tích 20ha, bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các...
Đền Kim Liên dấu ấn văn hoá Hà Nội
Đền Kim Liên dấu ấn văn hoá Hà Nội Đền Kim Liên hay còn gọi là đền Cao Sơn trở là một hiện tượng đặc biệt về Hà Nội xưa. Đền vừa đánh dấu mốc giới phía...
Ô Quan Chưởng - Cửa ô duy nhất còn lại của Kinh thành Thăng Long
Ô Quan Chưởng - Cửa ô duy nhất còn lại của Kinh thành Thăng Long Ô Quan Chưởng là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được...
Khám phá quần thể Bích Câu Đạo Quán
Khám phá quần thể Bích Câu Đạo Quán Nằm ở đường Cát Linh (Hà Nội), xưa thuộc phường Bích Câu huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Chỗ đền Bích Câu được dựng...
Đình Tường Phiêu - Nét đẹp đình làng Xứ Đoài
Đình Tường Phiêu - Nét đẹp đình làng Xứ Đoài Là nơi chứa đựng bề dày văn hoá lâu đời, chốn linh thiêng gắn bó với đời sống tinh thần của người dân trên quê hương...
Di tích đặc biệt Quốc gia Đình Đại Phùng
Di tích đặc biệt Quốc gia Đình Đại Phùng Đình Đại Phùng được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII. Ngôi đình thờ Đức Thánh Tích Lịch Hoả Quang Thượng đẳng thần...
Đình Kim Ngân - Ngôi đền của Nghề Kim Hoàn Hà Nội
Đình Kim Ngân - Ngôi đền của Nghề Kim Hoàn Hà Nội Đình Kim Ngân (Hà Nội) là một trong số ít các công trình kiến trúc tiêu biểu còn sót lại trong lòng khu phố cổ Hà...