Thôn Giao Tất (có tên nôm là làng Keo), khi mới ra đời còn có tên là Cổ Giao thuộc huyện Long Biên, quận Giao Chỉ ngày xưa, nay thuộc xã Kim sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Bởi làng xưa có nghề truyền thống nấu keo da trâu và nghề làm sơn gỗ, đặc biệt là sơn son thếp vàng nên dân gian thường gọi là làng Keo. Trước đây, Cổ Giao gồm 10 giáp, do địa thế gần sông, sau lại bị chia cắt bởi con đường cái quan (tức đường 181 ngày nay) nên chia thành 2 phần, một phần gồm 6 giáp, tức thôn Giao Tất ngày nay, phần còn lại 4 giáp nằm bên kia đường cái quan là thôn Giao Tự. Là làng Việt cổ nên Giao Tất mang nhiều dấu ấn với nhiều danh nhân lịch sử và những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt là những giá trị văn hóa cổ hiện vẫn còn được lưu giữ tại Nghè và chùa Keo.
Nghè Keo (còn gọi là Đền Keo) là tên gọi theo tên nôm của Làng. Theo thần phả: Nghè Keo được xây dựng để thờ Thành Hoàng làng là Tướng quân Đào Phúc và vợ là Tiên Anh công chúa. Đào Phúc sinh ra và lớn lên trên quê mẹ - Làng Keo, bố là Đào Bột người gốc xứ Thanh, là ông đồ nổi tiếng có nhiều trò giỏi, đỗ đạt cao nên đã được vua Lý phong làm Bộ Trưởng đạo Sơn Nam. Đào Phúc có công lớn trong việc đánh tan quân xâm lược nhà Tống và quân Chiêm Thành ở phía nam.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ VHTT&DL Nông Quốc Thành trao chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia cho cán bộ và nhân dân xã Kim Sơn
Vị thần thứ hai được thờ ở Nghè Keo là ngài Đỗ Công, tên tự là Như Triều, thụy là Mẫn Đạt, người làng Giao Tất, ông đã làm tới chức Thiếu Bảo quận công, Thượng tướng quân- một trọng thần của triều đình, là người đã bỏ ra nhiều công sức để xây dựng Chùa và Nghè của làng.
Vị thần thứ ba được thờ ở Nghè Keo là Tổ của nghề hát ca trù. Đó là hai ông bà Đinh Dự và Mãn Đường Hoa. Tương truyền khi còn sống, ông bà Đinh Dự đã chọn làng Keo làm nơi truyền nghề. Nhờ đó nghề hát ca Trù ở vùng này rất phát triển. Đặc biệt là thời kỳ trước cách mạng Tháng Tám, nhiều đào nương nổi tiếng xinh đẹp, hát hay ở đất Kinh kỳ đều là người làng Giao Tất. Lễ hội hàng năm (ngày 6/4 âm lịch) ngoài nghi thức tế lễ rước phật, nhân dân các nơi lập phường mở hội hát ca trù tưởng nhớ công ơn của tổ nghề hát ca trù ở vùng này.
Lễ hội truyền thống làng Keo cũng gắn liền ngôi Chùa mang tên chữ "Báo Ân Trùng Nghiêm Tự" hay còn có tên nôm là Chùa Keo. Đó là tên của Làng với ý nghĩa 2 thôn (Giao Tất, Giao Tự) gắn bó keo sơn. Đây là ngôi chùa cổ nằm trong vùng đất mà Phật giáo sớm du nhập vào nước ta. Chùa Keo có niên đại khoảng một nghìn năm, là điểm sáng của lịch sử Phật Giáo Việt Nam và nằm trong hệ thống thờ Tứ Pháp là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện.Chùa Keo được xây dựng để thờ Bà Keo- tức Pháp Vân- một trong tứ pháp trong hệ thống thờ tự của Việt Nam.
Với những giá trị hiện còn lưu giữ được, Nghè và Chùa Keo thuộc kiến trúc tôn giáo và đã được Bộ Văn hóa &Thông tin xếp hạng công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật từ năm 1993.
Đặc biệt, tại Lễ hội Làng Keo, ngoài hoạt động tế lễ theo nghi thức tín ngưỡng còn có Lễ rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ rước Phật với nhiều nghi thức và phong tục tập quán cổ xưa mang đậm màu sắc tâm linh thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham gia. Bên cạnh đó, Ban tổ chức Lễ hội cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ và thi đấu TDTT với sự tham gia của nhiều đội bóng đá, bóng chuyền hơi của các xã lân cận và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn Huyện.
HB